Phát triển cây dược liệu giúp người dân Tây Bắc xóa nghèo

Phát triển cây dược liệu giúp người dân Tây Bắc xóa nghèo

Mang sản phầm đặc sản Tây Bắc đến mọi miền tổ quốc

Ngày đăng: 30/06/2024 02:11 PM

    Nằm ở vị trí có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đến nay Hợp tác xã Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đang duy trì 20ha cây dược liệu các loại như: Hà thủ ô, Đương quy, Kim ngân hoa...

    Sản phẩm làm ra đến đâu được thu hái, sơ chế và xuất bán ngay đến đó. Từ xã có tỉ lệ hộ nghèo chiếm phần lớn, đến nay nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng nhờ trồng cây dược liệu.

    Theo ông Trần Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y Yên Bái, hiện toàn tỉnh có khoảng trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh được phân thành 11 nhóm thuốc, trong đó có một số loại cây dược liệu quý có giá trị cao như: Hoàng liên chân gà, Tam thất vũ diệp, Tiết trúc sâm, Ba kích, Đẳng sâm, Giảo cổ lam, Nấm tỏa dương, Thổ phục linh, Trà hoa vàng, Quế…

    “Ngoài triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, chúng tôi đã triển khai các hội thảo kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, kết nối thị trường cho các sản phẩm. Từ đó, xây dựng chuỗi giá trị cây thuốc Nam giúp bà con vùng cao phát triển kinh tế” - ông Toàn chia sẻ.

    Tại Lào Cai, năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 40,3%, đến hết năm 2022 đã giảm còn 31,8% và đang có xu hướng tiếp tục giảm trong năm 2023. Đây là minh chứng từ nỗ lực giúp người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ cây dược liệu.

    Thống kê cho thấy, Lào Cai có khoảng 850/3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Lào Cai còn có trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm, giá trị y dược cao như: Giảo cổ Lam, Sa nhân tím, Đương quy… và nhiều loại cây dược liệu địa phương có giá trị kinh tế cao như: Bình vôi, Đẳng sâm, Hà thủ ô đỏ, Atisô...

    Cùng với mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, từ một số bài thuốc của người Dao đỏ, đến nay địa phương đã phát hiện ra hàng chục biệt dược. Có những bài thuốc chữa bệnh hữu hiệu, như việc kết hợp giữa cây Hoàng liên chân gà, Thất diệp nhất chi hoa với cây Tống quá sủ, Giảo cổ lam... để chữa các bệnh trước và sau khi sinh cho phụ nữ và trẻ sơ sinh.

    Trong khi đó, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương, vài năm trở lại đây đời sống bà con các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu đã khá lên nhờ trồng cây dược liệu.

    Nhiều địa phương cũng lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp như: Đương quy, Atisô, Đỗ trọng, Sâm cát cánh, Thất diệp nhất chi hoa.

    “Khi mới trồng cây dược liệu, gia đình được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật. Qua thời gian chăm sóc tôi thấy cây này cũng dễ trồng, chăm sóc. Giá trị cây trồng này cao hơn rất nhiều so với cây ngô, cây lúa” - ông Tẩn Chin Lùng - một trường hợp thoát nghèo từ cây dược liệu ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ - chia sẻ.

    Nguồn từ: Báo Lao Động